Sunday, October 21, 2018

I. NHỮNG THỜI KỲ TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH LÀM MÔN ĐỆ


I. NHỮNG THỜI KỲ TRONG CUỘC HÀNH TRÌNH LÀM MÔN ĐỆ


Đời sống mỗi người bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau. Kinh nghiệm làm môn đệ cũng thay đổi theo từng giai đoạn này, với những thách đố và lời mời gọi khác nhau. Theo tác giả Ronald Rolheiser, chúng ta có thể chia cuộc hành trình tâm linh của mình ra làm 3 thời kỳ khác biệt, tương ứng với 3 giằng co khác nhau trong cuộc sống:

1. Thời Kỳ Thiết Yếu – Giằng co trong việc Gom Góp Những Mảnh Đời lại với nhau
Ngay từ khi chào đời chúng ta đã phải tranh đấu để tìm cho mình một căn tính, để cảm thấy được trọn vẹn và bình an. Cái giằng co này đạt đến tột đỉnh khi đến tuổi dậy thì. Sau khi được sinh ra, chúng ta được mang về nhà, nơi có cha mẹ anh chị em; chúng ta có một gia đình, được sống trong an toàn. Tuy nhiên tất cả sẽ bị thay đổi khi chúng ta đến tuổi dậy thì. Tuổi thơ sẽ bị biến mất một cách đột ngột và chúng ta bị đẩy vào một tình trạng hụt hẩng, bất ổn, về thể lý cũng như sinh lý, một giai đoạn mang đầy giấc mơ đẹp nhưng cũng đầy những hoang mang và bất an. Chúng ta cảm thấy có nhu cầu tìm và xây dựng một gia đình cho chính mình. Ở giai đoạn này, chúng ta muốn tìm kiếm một căn tính, muốn được chấp nhận, muốn có những bạn bè, muốn tìm một sự thân mật sâu xa, một người phối ngẫu, muốn tìm một ơn gọi, một nghề nghiệp, một nơi để cư ngụ, một sự an toàn về tài chánh và muốn tìm một cái gì đó có thể cho chúng ta một căn bản và ý nghĩa. Đây là giai đoạn của những câu hỏi “Tôi là ai?”, “Đâu là ý nghĩa của cuộc đời?”, “Ai sẽ yêu tôi?”, “Tôi sẽ tìm đâu ra một tình yêu chân thật?” v.v… Chúng ta khao khát tìm cho mình một gia đình để thay thế cho cái mái ấm đã có nhưng một cách nào đó không còn thích hợp.
Có thể cần đến 10, 15, 20 năm hoặc dài hơn, nhưng thông thường thì sau cùng mỗi người cũng sẽ tìm được cho mình nơi đáp. Sau cùng thì chúng ta sẽ có được một gia đình, một tổ ấm mới, một nghề nghiệp, một người phối ngẫu, một nơi để trú ngụ, một việc làm… Cho đến một lúc, câu hỏi chúng ta có sẽ không còn là: “Làm sao gom góp cho mình một cuộc sống ổn định?” nhưng sẽ trở thành “Làm sao tôi có thể trao ban đời sống mình một cách sâu xa hơn, quảng đại hơn, có ý nghĩa hơn?” Đó là khi chúng ta bước vào giai đoạn thứ nhì của một người làm môn đệ.

2. Thời Kỳ Trưởng Thành – Giằng co trong việc Trao Ban Cuộc Sống cho người khác
Đa số chúng ta đạt đến giai đoạn này trong khoảng tuổi 30, mặc dù có người phải chờ đến 40, 50 hoặc ngay cả 60 tuổi trước khi bước từ giằng co trong việc gom góp cuộc đời sang giằng co trong việc cho đi cuộc sống mình đang có. Với nhiều người, thay đổi này không rõ ràng, dứt khoát và hoàn toàn. Cái giằng co về căn tính và cảm thấy được trọn vẹn, không bao giờ biến mất nơi họ; một cách nào đó, họ luôn bị ám ảnh bởi những bất an của tuổi trẻ và những nhu cầu riêng tư của chính mình. Nhưng dù sao những điều thiết yếu khác thì đã sẵn sàng thay đổi. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ phải lo nghĩ về cuộc sống bên ngoài chúng ta hơn là về chính mình. Với đa số, giai đoạn trưởng thành này là giai đoạn dài nhất của cuộc đời. Sau khi một người đã ổn định về gia đình và nghề nghiệp, đây là những năm dài để sống tròn bổn phận và trách nhiệm, với bao nhiêu gánh nặng của chúng, và với những giằng co làm sao để có thể cho đi cuộc sống mình một cách tinh tuyền và quảng đại hơn. Đây là giai đoạn để nuôi nấng và dạy dỗ con cái, sinh hoạt trong các cộng đoàn và giáo hội, để trao ban nhiều hơn là nhận lấy, để sống cho người khác hơn là cho chính mình. Cho đến một lúc tất cả chúng ta, không trừ một ai, sẽ bắt buộc phải đối diện với cái chết. Đó là lúc mà theo tác giả Henri Nouwen, câu hỏi sẽ không còn là “Tôi sẽ có thể làm gì để cống hiến cuộc đời mình?” nhưng sẽ là “Tôi sống thế nào để khi lìa đời, cái chết của tôi sẽ là một lời chúc lành cho gia đình, cho giáo hội và cho cả thế giới?” Chúng ta đã lìa bỏ gia đình đầu tiên để tìm cho mình một gia đình thứ nhì; đây là lúc chúng ta sẽ phải đối diện cuộc phiêu lưu rộng lớn hơn.
 
3. Thời Kỳ Căn Bản – Giằng co trong việc Trao Ban Cái Chết của mình
Là người Kitô hữu, chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã sống cho chúng ta, và Người cũng đã chết cho chúng ta. Người sống cho chúng ta qua những công việc Người đã làm và chết cho chúng ta qua việc đón nhận, trong tình yêu, sự bất lực, tự hạ mình, chịu nhục nhã và một cái chết trong cô đơn. Cũng như Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi trao ban cuộc sống với lòng quảng đại và vị tha, nhưng chúng ta cũng được mời gọi trao ban cái chết của mình, không phải chỉ vào lúc lìa đời nhưng là qua một tiến trình ra đi, để làm sao cho cái chết của chúng ta sẽ là món quà sau cùng và lớn nhất mà chúng ta có thể để lại cho thế giới.


Câu Hỏi Suy Tư & Hồi Tưởng

  1. Tiến trình thay đổi từ thời kỳ Thiết Yếu qua thời kỳ Trưởng Thành của tôi đã xảy ra như thế nào? đã hoàn tất chưa?
  2. Hai câu hỏi “Làm sao tôi gom góp được cho mình một cuộc sống ổn định hơn?” và “Làm sao tôi có thể trao ban đời sống mình một cách sâu xa hơn, quảng đại hơn, có ý nghĩa hơn?” đang sống động như thế nào trong cuộc đời tôi những ngày tháng này?


Phúc Âm
Luca 15:11-32     Dụ ngôn Người con Hoang đàng
Câu hỏi gợi ý:     Các nhân vật trong dụ ngôn này tượng trưng cho các giai đoạn nào của một người làm môn đệ? Tại sao?